Ngọc Anh là một cô bé 11 tuổi đặc biệt
Ngọc Anh là một cô bé 11 tuổi đặc biệt, sự đặc biệt đó bắt đầu thể hiện rõ từ khi cháu 8 tuổi. Cháu ham đọc sách, hầu hết là những sách không phải dành cho lứa tuổi đó như tiểu thuyết trinh thám, cháu thần tượng Sherlock Holmes, việc hoàn thành một cuốn sách về tâm lý học trong vài ngày là chuyện thường thấy.
Cô bé thích ở một mình, tập viết những câu chuyện trong trí tưởng tượng của mình, luôn muốn bảo vệ không gian riêng cho bản thân và việc học ở trường có vẻ rất dễ dàng với cô bé,… Tất cả cho thấy đây là một cô bé hướng nội, có trí tưởng tượng tốt.
Một cô bé như vậy trước hết là hoàn toàn lành mạnh, sau đó chúng ta thấy có những tiềm năng đặc biệt để biến cuộc sống của mình trở nên thú vị. Chúng ta đều biết rằng một người hướng nội, tìm thấy những niềm say và đã bắt đầu xây dựng những kỹ năng để khai thác năng lượng nội tâm từ rất sớm như vậy thì chắc chắn sẽ phát triển những năng lực phi thường trong tương lai.
Tất cả những gì còn lại mà cô bé cần chỉ đơn giản là được hiểu đúng, được bảo vệ và chăm sóc đúng cách bằng sự tôn trọng của người lớn.
Có nhiều đứa trẻ giống cô bé, tất nhiên mọi đứa trẻ dù bắt đầu cuộc sống theo thiên hướng nào thì chúng đều có sự tò mò lớn lao, đủ để khám phá mọi thứ và phát triển thành những năng lực mạnh mẽ. Niềm say mê và vui thích biến những đứa trẻ thành những người hạnh phúc và đầy năng lực. Đây là điều mà mọi cặp cha mẹ đều cần phải ý thức để hành xử với những đứa con của mình.
Bất cứ một sự kiện có vẻ nhỏ nhoi và vô nghĩa nào cũng có thể làm tổn thương sâu sắc đến sự lành mạnh của một đứa trẻ, khi mà nó chưa có đủ khả năng đề kháng tối thiểu với các giao tiếp và cư xử của người lớn. Dẫn đến việc cuộc đời của nó có thể bị can thiệp một cách thô bạo.
Nhưng làm sao mà chúng ta có thể hiểu biết được rằng mình đã làm đúng hay sai, làm sao để biết giao tiếp và cư xử tốt nhất với những đứa trẻ ? Khi mà chúng ta chỉ có tình yêu thương, và cho rằng chỉ cần yêu thương thì cha mẹ có thể yên tâm về những quyết định của mình với trẻ. Đây là một nhận thức sai lầm và nguy hại.
Nuôi dạy và chăm nom trẻ cần được học một cách nghiêm túc, không phải để có những đứa con tài năng, không phải để trẻ thực hiện những kỳ vọng ích kỷ của cha mẹ, để sản xuất ra những thiên tài …. Chúng ta cần bảo vệ sự lành mạnh tự nhiên của trẻ, khéo léo dẫn hướng khi trẻ có những khám phá nguy hại. Vậy thôi !
Đây là một câu chuyện của cô bé Ngọc Anh 11 tuổi. Một câu chuyện ngắn, một sự việc nhỏ nhoi và thoáng qua với bất cứ người lớn nào, nhưng nó lại có nguy cơ biến thành một thảm hoạ với cô bé từ sự thiếu thận trọng của người lớn.
Cô bé có một phòng riêng ở tầng hai, nơi yêu thích của mình để học, chơi làm những việc mình thích và cũng là phòng ngủ nữa. Trong phòng có bàn học, một chiếc sofa, những món đồ yêu thích và một chiếc giường nhỏ kê cạnh cửa sổ, nhìn ra bên ngoài là một cây xoài to có cành vươn chạm vào cửa kính. Đây là khởi nguồn của vấn đề …
Vài tháng trước cô bé có nói với mọi người là vào ban đêm khi đang ngủ mình nghe thấy tiếng Ma đi lại ở trên tầng mái vọng xuống. Tất nhiên người lớn dễ dàng giải thích việc này cho cô bé, rằng đó là tiếng những con chuột quậy phá, nhưng cũng chưa ai nghiêm túc tìm hiểu sự việc này.
Với Ngọc Anh thì đó cũng không phải việc gây khó chịu nhiều, kể cả với niềm tin rằng Ma đã gây ra những tiếng động đó. Việc cô bé cảm thấy khá ổn với tiếng động của những con Ma vào ban đêm là điều đầu tiên người lớn cần lưu ý.
Trẻ con chưa thực sự gắn khái niệm Ma với những nỗi sợ vô hình, và trẻ cũng chưa hình thành những nỗi sợ vô cớ đôi khi trở thành ám ảnh ở nhiều người lớn chúng ta.
Hãy hình dung bất cứ ai trong chúng ta cũng dễ dàng rơi vào hoảng loạn trong một tình huống có thể kích hoạt những nỗi sợ vô hình mà chẳng thể lý giải, chẳng hạn như khi đi qua một nơi vắng vẻ vào đêm khuya, nhưng trẻ con thì lại không như vậy, hay đúng hơn là chúng chưa hình thành sự bất an giống người lớn. Vì thế mà cô bé vẫn sinh hoạt và ngủ ở căn phòng của mình mặc dù đã vài lần kể về tiếng động của những con Ma.
Vài tháng trôi qua và hình như thỉnh thoảng người lớn vẫn nghe Ngọc Anh kể thêm những chi tiết về chuyện này, nó vẫn diễn ra thường xuyên nhưng cô bé không coi đó là một việc nghiêm trọng, và người lớn cũng vậy.
Thông thường người lớn đáng giá vấn đề mà trẻ nêu ra dựa trên thái độ của trẻ chứ không phải dựa trên bản thân vấn đề. Điều đó có nghĩa là những người lớn mắc phải một sai lầm là không thực sự quan tâm đến vấn để trẻ gặp phải nên sẽ không tìm hiểu nó.
Dạo gần đây thì vấn đề này có thêm những chi tiết buộc người lớn phải quan tâm nghiêm túc hơn, đó là cô bé nhìn thấy “Ma” ngồi trên chiếc ghế sofa của, hình dáng rõ ràng, khi nhìn thì “nó” chỉ ngồi im không nói gì, nhưng khi nằm xuống giường nghỉ thì “nó” lại nói chuyện.
Cô bé không sợ, cũng chẳng phiền hà gì nhiều, vẫn sinh hoạt trong phòng bình thường, chỉ là ban đêm thì không muốn ngủ khi “nó” cứ ngồi đó, nhìn chằm chằm và nói chuyện linh tinh. Cho nên khi đi ngủ thì cô bé xin ngủ cùng bà nội.
Sau khi người lớn khai thác kỹ thì khẳng định là sự việc đúng như cô bé miêu tả. Vậy thì ban đầu là những tiếng động xuất hiện vào ban đêm, tiếng đi lại, sau đó là nhìn thấy “nó” ngồi trên sofa và nói chuyện… Tất cả những điều này có nghĩa là gì ?
Chúng ta lưu ý rằng với cô bé thì sự việc này chỉ mang đến một chút phiền phức, nhưng với người lớn thì đó lại thực sự nghiêm trọng một khi nhận ra tất cả lời kể đều là sự thật.
Thực tế những sự kiện như thế này đã được nhìn nhận theo hướng các tín ngưỡng dân gian là “căn đồng cốt” , “mắt âm dương”, “thông linh”, …. Nhìn nhận một cách tỉnh táo thì đây là một sự việc. Và chúng ta, những người lớn đã gán cho sự việc một ý nghĩa, khi đó trẻ em sẽ sống với ý nghĩa mà chúng ta gán.
Điều gì xảy ra với cuộc đời của một con người khi nó lớn lên với niềm tin rằng nó có thể nghe thấy và nhìn thấy Ma ?
Điều gì xảy ra với cuộc đời của một đứa trẻ khi nó lớn lên với niềm tin rằng nó có thể nghe thấy và nhìn thấy Ma ? Cũng như việc nó đã nghe thấy và nhìn thấy, thì trong tương lai chắc chắn nó cũng sẽ nghe thấy và nhìn thấy Ma, thứ mà ngoài nó ra sẽ chẳng ai thấy cả.
Đứa trẻ dần cũng sẽ giao tiếp, trò chuyện với những thực thể mà chẳng ai thấy, và biến thành một người giống như thông dịch viên cho sự khoái khoác, vô tình vì sự thiếu hiểu biết của những người khác. Chúng ta có thừa kinh nghiệm để dự đoán trước rằng rồi tất cả sẽ cùng nhau biến đứa trẻ thành một kẻ lạc lõng giữa xã hội.
Vậy những sự việc mà Ngọc Anh kể có thật hay không ? Nếu cô bé nói thật thì toàn bộ sự việc này có nghĩa là gì ? Tôi đã xác nhận rằng toàn bộ những gì cô bé kể là sự thật, giải đáp cho việc này vô cùng bất ngờ và một khi bạn biết điều gì đã tạo ra những hiện tượng mà cô bé thấy thì bạn sẽ thấy rằng việc này cũng từng xảy ra với nhiều người khác.
Đầu tiên hãy chú ý đến những thói quen và sở thích của cô bé. Là một người hướng nội, thích ở một mình, đọc tiểu thuyết trinh thám, đọc các sách tâm lý…đặc biệt là tập viết những câu chuyện.
Những đặc điểm này chỉ ra cô bé là một người có trí tưởng tượng tốt, dễ dàng chìm đắm vào dòng suy tưởng. Đây là những điều kiện lý tưởng để sẵn sàng cho trạng thái xuất thần, là một trạng thái ý thức suy yếu. Đây là một trạng thái sinh lý tự nhiên có thể xảy ra với chúng ta bất cứ lúc nào, nhưng thường không diễn ra lâu và không được kiểm soát.
Nhà thôi miên có thể dùng các kỹ thuật thôi miên để tạo ra và kiểm soát những gì xảy ra trong trạng thái xuất thần. Với các đặc tính thuận lợi như vậy thì chỉ cần một kích thích phù hợp là có thể trở thành một ám thị kích hoạt trạng thái xuất thần ở Ngọc Anh.
Điểm thứ hai cần quan tâm ở đây là những lần đầu nghe thấy âm thanh, những tiếng chân đi lại xung quanh mình là lúc cô bé nằm xuống giường, nhắm mắt hoặc lơ mơ ngủ. Trạng thái giữa thức và ngủ não chúng ta rơi vào vùng bước sóng alpha ( 7 – 14Hz ) đây là vùng bước sóng mà não bộ hoàn toàn ở trong các tưởng tượng, có thể trải nghiệm các tưởng tượng như thật.
Và sự việc xảy ra lần đầu chính là thời điểm này, nhưng vẫn còn thiếu một kích thích giác quan đóng vai trò như một ám thị kích hoạt trạng thái xuất thần.
Kích thích nào đã xảy ra đúng vào thời điểm đó ? Đó phải là một kích thích thính giác … Tôi quan sát rất kỹ toàn bộ căn phòng của cô bé, không có gì khả nghi, không có âm thanh nào phù hợp để tạo ra một kích thích như vậy.
Tôi kiểm tra lại suy đoán của mình một lần nữa nhưng vẫn theo hướng là cần tìm ra một kích thích âm thanh, đó phải là một âm thanh không quá nhỏ, không quá to, không quá gần, không quá xa, không rõ ràng và khó định hình …. Một lát sau không có gì tiến triển, cuối cùng tôi chợt nhìn ra cửa sổ, một cái cửa kính rộng, bên ngoài là những tán cây xoài che kín hoàn toàn tầm nhìn phía trước. Có vẻ như tôi đã tìm ra nguồn gốc của âm thanh đó.
Tôi kiểm tra cánh cửa thì đó là loại kính hai lớp cách âm, đợi một lát thì những cành xoài cạnh cửa kính bị gió thổi va vào lớp kính ngoài khá mạnh, sự cọ sát với lớp kính bên ngoài tạo ra tiếng động nhưng khi âm thanh lọt qua lớp cách âm vào đến trong phòng thì nó trở thành một âm thanh khó định hình. Âm thanh này đúng như tôi đoán, khó xác nhận.
Do đó trong khi cô bé tỉnh táo và mải mê với các công việc thì hầu như không nghe thấy âm thanh, nhưng khi ở trạng thái lơ mơ giống như trạng thái trước khi giấc ngủ xảy ra thì âm thanh của những cành xoài va vào cánh cửa lại ở ngay trên đầu giường sẽ tạo ra âm thanh đặc biệt, nó trầm và được truyền qua chất rắn sẽ là âm thanh phù hợp để tạo thành một kích kích khởi động trạng thái xuất thần. Vậy là đã rõ ràng tình huống dẫn đến xuất thần của cô bé.
Chỉ cần tìm ra thời điểm xuất thần, kết luận được yếu tố cốt lõi của sự việc là trạng thái xuất thần thì toàn bộ câu chuyện sẽ sáng tỏ. Tất cả những điều cô bé kể đều là sự thật, cô bé nghe thấy tiếng người đi lại, nghe thấy tiếng nói chuyện và nhìn thấy “nó” ngồi chiếm lấy ghế sofa của mình,.. Đây đều là hiện tượng biến loạn giác quan trong trạng thái xuất thần.
Với môn thôi miên thì các biến loạn giác quan như thế này là rất phổ biến, bất kỳ một nhà thôi miên biểu diễn mới học nghề nào đều có thể thực hiện các màn biến loạn giác quan. Khi đó mắt có thể nhìn thấy, tai có thể nghe thấy, mũi của thể ngửi thấy, tay có thể sờ thấy, lưỡi có thể nếm được,…những thứ mà nhà thôi miên miêu tả. Nhà thôi miên có thể miêu tả bất cứ thứ gì phi thực tế nhưng với người đang ở trong trạng thái xuất thần thì đó lại là sự thật.
Tóm tắt toàn bộ sự việc như sau : một cô bé 11 tuổi thì nghiễm nhiên đã là một đối tượng phù hợp với các tác động của thôi miên, bởi vì ý thức của tuổi này chưa mạnh, khả năng phản biện và phòng vệ chưa cao. Tiếp theo là một người hướng nội, có khả năng tưởng tượng tốt và có thói quen chìm đắm vào các hoạt động tư tưởng, với đặc điểm này thì dù là ở bất cứ lứa tuổi nào cũng sẽ trở thành một đối tượng nhạy cảm với thôi miên.
Đóng vai trò mấu chốt để sự nhạy cảm được đẩy lên đỉnh điểm đó chính là thời điểm mơ màng trước khi giấc ngủ xảy ra, khi sóng não thoáng bước vào vùng sóng Alpha. Và cuối cùng là một kích thích phù hợp xảy ra đúng thời khắc sự nhạy cảm được đẩy lên cao nhất. Tất cả những điều kiện trên dường như trùng lặp một cách khó tin.
Hãy giả sử như đó không phải là một cánh cửa cách âm, thì âm thanh của cành xoài sẽ luôn rất rõ ràng, vì thế thì bất cứ lúc nào cô bé cũng nhận thức được âm thanh đó, như vậy nó sẽ không thể trở thành yếu tố kích thích xuất hiện ở thời điểm thích hợp tạo ra trạng thái xuất thần nữa. Có rất nhiều người hướng nội, họ nhạy cảm và sẽ luôn có những thời điểm mà sự nhạy cảm tăng cao nhưng khó có ai tình cờ gặp một kích thích tự nhiên có tính ám thị như vậy và đúng thời điểm như vậy. Thật thú vị !
Những điều còn lại thì sao ? Không có gì khó hiểu, bởi chúng ta biết rằng trong trạng thái xuất thần thì các giác quan có thể dễ dàng bị biến loạn, người trong trạng thái xuất thần có thể tham gia vào các trải nghiệm giác quan phi thực tế nhưng lại hoàn toàn chân thực với họ.
Các trải nghiệm này trong môn thôi miên luôn được kiểm soát bởi nhà thôi miên. Nhà thôi miên tạo ra các biến loạn giác quan cho mục đích của mình, có thể là để tạo ra các màn thôi miên biểu diễn, hay cho các mục đích trị liệu khác nhau. Bất kỳ nhà thôi miên nào cũng tạo ra được trạng thái xuất thần với sự hợp tác của người thụ cảm, và biến loạn giác quan là kỹ thuật cơ bản đầu tiên của thôi miên.
Nhà thôi miên tạo ra sự biến loạn giác quan bằng các ám thị, vậy ở trường hợp của Ngọc Anh thì ám thị được tạo ra như thế nào ? Ám thị có thể được nhà thôi miên tạo ra, cũng có thể là do người thụ cảm tự ám thị, nên ở Ngọc Anh thì cô bé đã tự ám thị mình để tạo ra các hiện tượng biến loạn giác quan như vậy. Sự tự ám thị xảy đến từ những thông tin trong các cuốn sách, trong trí tưởng tượng và mong muốn của mình.
Những người gặp phải sự việc tương tự nhưng nếu như không được giải quyết đúng đắn đã có thể dẫn đến một cuộc đời vô cùng khác biệt ở những năm sau đó. Quy luật cơ bản của thôi miên là một khi bạn chấp nhận nó xảy ra thì nó sẽ xảy ra dễ dàng hơn. Như vậy thì những người gặp hiện tượng xuất thần sẽ lặp lại trạng thái này càng lúc càng dày đặc hơn.
Những ám thị cũng theo quy luật đó, sẽ ngày càng phong phú hơn, chân thật hơn và một trong những biến đổi tai hại là : các ám thị được tạo ra theo xu hướng làm hài lòng kỳ vọng của những người xung quanh. Vậy nên đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề và tai hại của các tín ngưỡng dân gian, khi mà mọi người chờ đợi đó là “đồng cốt”, là “áp vong, gọi hồn”, là “thông linh” ,…. chắc chắn các hiện tượng biến loạn giác quan theo xảy ra theo kỳ vọng này của những người xung quanh.
Thật không thể nói hết được những gì mà một con người phải hứng chịu từ sự thiếu hiểu biết. Những người xuất thần này họ dần trở nên nổi tiếng, được cộng động đưa vào các hoạt động tín ngưỡng, họ trở thành những người có năng lực ngoại cảm đặc biệt. Những người này đã tạo ra vô số kỳ tích (?) trong các hoạt động cộng đồng.
Tôi cũng có điều kiện quan sát những người như thế trong nhiều năm, và tất cả đều đưa đến một kết cục mà tôi cho là bất hạnh. Cuối cùng thì một con người cần gì? Những năng lực đặc biệt, những giao tiếp tâm linh vô nghĩa,… hay một tuổi thơ lành mạnh, một cuộc đời tự do và vui vẻ !