Những năm trôi qua, một sự kiện đã đi sâu vào tâm trí tôi như một trang ký ức đặc biệt. Dù với nhiều người, đó chỉ là một trải nghiệm bình thường không đáng chú ý, nhưng với tôi, nó là một bài học đầy ý nghĩa, bài học về sự tự chữa lành.
Khi đó, tôi đang học cấp 3, tôi ở nông thôn và có một đặc trưng thú vị là mỗi gia đình nuôi ít nhất một con chó. Những chú chó này không chỉ đóng vai trò bảo vệ ngôi nhà mà còn làm cho cuộc sống trở nên sôi động hơn. Giống chó phổ biến nhất và gần như là duy nhất là chó ta, hoặc hiếm khi là giống lai béc giê, mà những người chơi chó bây giờ gọi chúng là “chó cỏ”.
Đây là một câu chuyện chân thực của tôi, ở vùng nông thôn hơn 20 năm trước, và nó có thể gây khó chịu cho các bạn yêu động vật, và yêu chó bây giờ. Nếu bạn e ngại điều đó thì xin dừng đọc ở đây. Còn nếu như bạn vẫn muốn theo dõi câu chuyện của tôi, và nó làm bạn khó chịu, thì tôi xin lỗi vì điều đó.
Ngày nay, những người yêu động vật gọi các con vật nuôi là “pet,” “thú cưng,” thậm chí là “hoàng thượng” – những con vật dễ thương được chăm sóc kỹ lưỡng, sống gần gũi với con người trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng thời điểm tôi lớn lên, vật nuôi phổ biến chỉ là chó và mèo. Nếu bạn ở nông thôn, việc chăm sóc một chú chó giống như cách chăm thú cưng ngày nay thì có thể khiến bạn trở thành đối tượng của sự dị nghị mạnh mẽ từ hàng xóm, láng giềng.
Những chú chó ở nông thôn, khác với những chú chó đô thị, thường không bao giờ được phép bước vào trong nhà. Cuộc sống của chúng chủ yếu diễn ra ở sân, và cũng thường xuyên chạy nhảy và vui chơi cùng các con chó khác ở ngoài đường. Khi vè nhà chúng thường tự chọn cho mình những khu vực riêng biệt, là những góc mát thoáng đãng hoặc nơi ấm áp nhất trong không gian được phép.
Nhà tôi đã nhận nuôi một chú chó nhỏ tên là Lu, ngay từ khi mới mang về, tôi phải xích nó ở một chỗ vì nó chưa quen nhà.
Những năm đó, tôi dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho võ thuật. Ngoài những giờ học và các sinh hoạt bắt buộc khác, còn lại tôi đều tập võ – đôi khi ở nhà, đôi khi tại võ đường. Tôi có thói quen là khi đã say mê một điều gì, tôi sẽ dồn hết sức mình, đến mức không còn bận tâm đến những thứ khác. Ăn, ngủ, học, chơi, tất cả đều xoay quanh võ.
Tôi đang diễn đạt đúng nghĩa đen, chứ không phải cố tình miêu tả theo cách kịch tính.
Mỗi bữa ăn, tôi thường mở những băng đĩa về Lý Tiểu Long để vừa ăn vừa xem. Trong khu đất của tôi có một căn nhà nhỏ ở góc, trước đây là quán tạp hoá của mẹ tôi không sử dụng nữa, tôi đã dùng nó thành phòng tập của tôi. Hàng ngày, tôi rèn luyện ở đó, bất cứ lúc nào có thể, thậm chí cả đến nửa đêm.
Những đêm tập võ dưới ánh đèn vàng mờ của bóng sợi đốt trong căn phòng kín đáo ấy vẫn hiện hữu trong ký ức của tôi. Mỗi ngày của tôi thường kết thúc ở đó, vì thế tôi kê luôn một cái chõng tre để ngủ, trong khi người vẫn đầy mồ hôi. Thời gian ngồi ở bàn học thì cứ học được mỗi 20 phút, tôi lại đứng dậy, thực hiện 20 động tác chống đẩy, sau đó 50 lần đứng lên ngồi xuống. Tôi để một chiếc đồng hồ trên bàn giúp tôi canh thời gian.
Lu dần quen với cuộc sống ở nhà, và tôi không còn cần phải xích nó lại nhiều như trước. Mặc dù tôi vẫn dành thời gian chơi với nó hàng ngày, cách chơi của tôi với chú chó nhà quê này không giống như mọi người thường tưởng.
Ở nông nông thôn, việc chơi với chó không phải là đi dạo, vuốt ve, bắn giận hay đùa nghịch với chúng như ở thành phố. Ở đây, chơi đơn giản là mỗi khi tôi xuất hiện, Lu sẽ hào hứng lao đến quấn chân tôi, lon ton xung quanh, hoặc đi theo tôi ra đến cổng mỗi khi tôi đi học.
Những khoảnh khắc như vậy làm tôi cảm thấy rất vui, và Lu cũng thích tôi nhất, vì chỉ có tôi đối xử với nó như một … thức ra vẫn như là một con chó thôi.
Mỗi khi Lu đến gần, tôi thường nói chuyện với nó vài câu, hoặc đôi khi đá nhẹ chân để nghịch với nó. Chắc chắn, nó cũng nể tôi lắm mới chịu chơi kiểu đó, vì Lu có rất nhiều bạn. Nó cứ ra đường là gặp bạn, hàng ngày những công dân bốn chân của làng đều chơi với nhau ở ngoài đường. Chơi chán thì về ngủ trên thềm, thỉnh thoảng ngoại giao một chút với con người, vì chung quy thì chúng nó không tự làm ra thức ăn được đâu.
Chữa lành – Nỗi đau đến từ một vết thương mãn tính
Vài tháng sau, Lu lớn dần… sự giao lưu của tôi và nó cũng không có tiến triển gì hơn. Nhưng có vẻ như nó đang gặp vấn đề gì đó ! Mỗi khi lại gần tôi, nó không thoải mái nghịch ngợm như trước nữa … Nhưng tôi cũng không để ý những thay đổi nhỏ này của nó.
Rồi đến một hôm, khi tôi đưa chân ra nghịch với Lu, đè nó xuống sân thì nó đột nhiên kêu lên như đang rất đau đớn. Lúc này tôi đã thực sự chú ý đến biểu hiện của Lu. Tôi nghĩ lại thì mấy ngày hôm nay nó vẫn ăn uống bình thường, vì thế tôi nhìn qua xem nó có vết thương nào trên người không, nhưng cũng không thấy gì bất thường.
Tôi cúi xuống tìm kỹ hơn, vạch lông để xem kỹ hơn … khi xem đến cổ thì tôi khựng người lại . Đột nhiên tôi bần thần, một cảm giác xót xa tràn ngập tâm trí.
Chiếc vòng sắt tự làm mà tôi đeo ở cổ Lu mấy tháng trước bị chìm mất hút trong lông cổ của nó. Tôi đã quên là mình đeo cho nó cái vòng sắt ấy. Cái vòng quá bé, con chó thì lớn quá nhanh, bây giờ toàn bộ vòng sắt đang nằm trong thịt và má.u của Lu, như một vết cắt quanh cổ, một vết thương mãn tính, không thể tự lành, và ngày một nghiêm trọng hơn khi nó lớn dần. Một vành thịt đỏ tươi ở dưới lớp lông quanh cổ, chắc rằng chưa bao giờ ngừng rỉ má.u.
Tôi không thể tưởng tượng những gì Lu phải trải qua với cái vòng sắt. Tôi đã phải mất gần một tiếng để tháo được nó ra. Không thể luồn kìm vào cắt được vì nó lún sâu vào trong thịt. Chỉ một đụng chạm nhỏ cũng làm cho Lu cứng người vì đau đớn. Cái vòng làm bằng một sợi dây thép uốn cong, nối lại với nhau ở điểm đầu và điểm cuối.
Chỉ có cách gỡ đầu nối này ra, nhưng cái vòng sắt như bị ngập mất trong cổ nó. Loay hoay một lúc tôi mới tìm được đầu nối. Lu cũng cố gắng nằm im để tôi làm, nhưng tôi biết nó rất đau, những tiếng rên khẽ làm tôi mắc kẹt.
Việc mà tôi đang làm sau này khi học y tôi mới thấy nó giống như việc đang thực hiện một ca tiểu phẫu. Nhưng dường như còn khó khăn hơn, vì Lu không hề được gây mê, gây tê, còn tôi thì không có một kinh nghiệm nào để thao tác. Tôi nhớ ở các tiết học giải phẫu, nhiều bạn học của tôi đã run, thậm chí ngất trong khi tiếp xúc với xá.c và má.u. Vậy mà ở thời điểm đó tôi đã cố gắng làm được, Lu cũng đã chịu đau và kiên cường cùng tôi.
Sau nhiều khó khăn thì tôi cũng gỡ được cài nút nối hai đầu sợi sắt, công việc khó khăn và căng thẳng nhất đã hoàn thành. Mặc dù sau đó thì ngay cả việc kéo cái vòng ra khỏi thịt ở cổ của Lu cũng là một quá trình khó khăn và đau đớn. Cuối cùng thì Lu cũng thoát khỏi cái vòng sắt.
Những ngày sau đó vết thương lành rất nhanh, nó chơi thoải mái hơn rất nhiều vì không còn đau đớn khi vận động nữa, đặc biệt nó ăn khỏe hơn, và ăn nhanh như bị bỏ đói vậy. Tôi dành ra một tuần đề quan sát Lu nhiều hơn, nhìn thấy nó háu ăn tôi thấy buồn rười rượi, khi đó tôi hiểu rằng, với Lu trước đây thì ngay cả việc ăn và nuốt cũng là một thử thách.
Lu dần vui tươi và khỏe mạnh … Có thể nó cảm nhận như vừa trải qua một cú shock. Một cú shock không phải vì tai hoạ ập đến, mà shock vì tai hoạ đột nhiên biến mất. Nhưng tôi đã có một khoảng thời gian trầm tư sâu sắc. Mấy đêm sau ngày đó, những cảm giác khó chịu thường xuyên xuất hiện vào trong cả giấc ngủ của tôi. Tôi có những giấc mơ mô phỏng lại những đau đớn tương tự như Lu.
Một tình huống đau đớn tột cùng, không có lỗi thoát, nhưng phải chấp nhận. Các bạn có thể nghĩ rằng tôi quá nhạy cảm, nhưng sự thật đúng là tôi đã có một khoảng thời gian như vậy.
Từ đó cho đến tận bây giờ đã gần 30 năm, từ một việc với Lu mà tôi đã hoàn toàn thay đổi cách quan tâm và cư xử với các con vật nuôi trong nhà của mình. Tôi không cưng thú nuôi theo cách như các bạn trẻ bây giờ, nhưng tôi hiểu mỗi con vật trong nhà mình nghĩ gì, muốn gì, và khi nào chúng ốm, chúng buồn, và chúng vui,… Những năm sau này có những đêm tôi thức trắng để canh truyền nước cho chú chó của mình. Tôi chơi cùng mèo mẹ khi nó sắp đẻ, đến lỗi nó muốn tôi ở cạnh nó đẻ.
Hoặc có những đêm tôi thấy chú chó chơi một mình ngoài sân, xót ruột tôi lại ra sân chơi với nó đến tận 2, 3 giờ sáng … Từ đó tôi cũng có cảm tình rất nhiều khi gặp những người “thích nói chuyện với chó mèo” như tôi.
Từ sự kiện này tôi đã có được hai nhận thức sâu sắc là nguyên nhân đưa tới hai quyết định quan trọng trong cuộc đời của mình sau này.
Đầu tiên là việc xử lý cái vòng sắt và vết thương của Lu, thực chất giống như một trải nghiệm liên quan đến y tế. Tôi đã có cảm giác như mình làm việc của một bác sĩ và nó cho tôi cảm giác mãn nguyện. Mặc dù mới đang học lớp 10, nhưng tôi đã thực sự nghĩ đến việc mình sẽ cảm thấy thế nào khi trở thành bác sĩ. Đối mặt với vết thương, với đau đớn, thao tác và giải phóng căn bệnh. Đó là một trải nghiệm nghiêm túc và có giá trị với tôi. Có lẽ nó là nguyên nhân gieo mầm cho ý định học Y bốn năm sau của tôi.
Thứ hai, cũng như bao đứa trẻ khác, mỗi đứa trẻ lớn lên đều có những đam mê, hay đúng hơn là mải mê của riêng mình. Bị cuốn theo một đam mê chung quy lại thì đó cũng chỉ là một trạng thái tâm phóng túng. Phóng túng nghĩa là làm điều mình thích, thỏa mãn cảm xúc của mình. Nhưng tôi vừa trải qua một sự kiện làm phát sinh khả năng thấu cảm khác thường.
Thầu cảm – là một năng lực phải có của nhà chữa lành
Thấu cảm đã gây ra một biến chuyển mạnh mẽ trong mô thức cảm xúc của tôi. Càng ngày năng lực thấu cảm của tôi càng mạnh mẽ hơn. Tôi trở lên quá bận tâm với mọi thứ xung quanh mình, đặc biệt là các con vật. Có lẽ vì tôi luôn quan tâm rằng chúng không thể nói, không thể chia sẻ, nên tôi cần phải hiểu chúng hơn qua ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt và hành vi của chúng. Đây cũng là khởi đầu cho mối quan tâm của tôi đến tâm lý học và thôi miên.
Từ đầu cấp 3 tôi đã học khối A, nên tôi đăng kỹ thi Bách khoa, vì thời điểm mà tôi nhận thức rõ được mong muốn của mình là quá muộn để học ôn lại. Nhưng thậm chí đến giờ tôi vẫn không biết điểm thi của mình năm đó là bao nhiêu. Dù thế nào thì tôi cũng quyết định sẽ không học nữa. Năm sau tôi thi vào Học viện Y dược học cổ truyền, làm việc một vài năm. Rồi đến năm 2008 tôi tìm đến với Thôi miên. Có thể nói hai quyết định quan trọng này của tôi bắt đầu từ sự kiện mà tôi vừa kể với các bạn.
Sự đau đớn của nạn nhân không nặng nề bằng nỗi dằn vặt của thủ phạm.Trong nỗi đau khổ của Lu thì tôi chính là thủ phạm, khi vết thương lành dần, sự hoạt bát, vui tươi và lành mặn của nó trở lại thì tôi vừa cảm thấy nhẹ nhàng như thoát khỏi một gánh nặng, nhưng lại vừa làm tôi mường tượng về những đau đớn khi cái vòng chưa được tháo ra nhiều hơn.
Tâm trí của tôi không thể xử lý được các cảm xúc mâu thuẫn này. Và tôi bị đẩy vào một mê cung cảm xúc phức tạp hơn những gì mà các bạn đang tưởng tượng. Những mâu thuẫn cảm xúc mà tâm trí không thể xử lý, thì chúng sẽ xuất hiện trở lại trong giấc mơ, nơi mà mọi điều trái ngược đều được phép cùng xảy ra.
Ý thức của chúng ta tuân theo logic, nhưng chất liệu của tiềm thức thì phong phú gấp hàng nghìn lần những gì hiển hiện ở ý thức, và mâu thuẫn chính là hình thái của tiềm thức. Từ các cảm xúc mâu thuẫn trong giấc mơ của mình, lần đầu tiên tôi thấy một hình ảnh trong tâm trí lại gây lên một thay đổi tương thích trên cơ thể.
Trong trạng thái gần như tỉnh táo, tôi thấy cánh tay của mình nặng như đá, có lúc lại không thấy hai chân của mình nữa, có khi đầu tôi to như cái thúng, … Nhận thức mới lạ và khó hiểu này làm tôi choáng váng. Cuối cùng, nó dẫn dắt tôi đến với thôi miên, bộ môn đã lý giải trọn vẹn những hiện tượng và trải nghiệm của tôi.
Các bạn thấy không, một nỗi đau, một sự ân hận, các cảm xúc tiêu cực mãnh liệt mà chúng ta đã hứng chịu, chúng vẫn đang tự chữa lành bằng cách dẫn dắt cuộc đời của chúng ta. Như khi bạn có một vết đứt tay, nó sẽ không ngừng lành lại. Bất kỳ một nỗi đau nào trong tâm hồn chúng ta cũng sẽ như vậy, nó vẫn đang tự chữa lành mỗi giờ, mỗi phút, không ngừng nghỉ.
Vậy nên cuộc sống của chúng ta chính là kết quả phản ánh các tổn thương đang được chữa lành.
Nếu bạn có câu chuyện của mình, hãy liên hệ Hòm thư: Thoimienthucnghiem@gmail.com
Chuyện được viết bởi nhà nghiên cứu thôi miên: Dương Minh Tuấn – Founder của Cộng đồng Thôi Miên Thực Nghiệm Việt Nam
#homthuchualanh
#duongminhtuan
#thoimienthucnghiem
#thoimienchualanh
#thoimientrilieu