Website số 1 về Khoa Học Thôi Miên tại Việt Nam

2E13637A-D003-4367-BA29-C04ED8E5FD78

Một trò đùa làm thay đổi cuộc đời

Đánh giá bài viết

Chúng ta không biết một sự kiện nhỏ có thể đưa cuộc đời của một con người đến đâu

Chúng ta không thể biết một sự kiện nhỏ có thể đưa cuộc đời của một con người đi đến đâu. Bởi vì khi bạn nhìn thấy cách tâm trí chúng ta tương tác với các sự kiện thì bạn sẽ hiểu ra rằng ý nghĩ “Làm chủ cuộc đời” kỳ thực là một ảo tưởng của con người.

Những trò chơi của trẻ con vào đầu những năm 90 khác rất nhiều với những gì chúng ta thấy bây giờ. Ở nông thôn những đứa trẻ trong làng hầu hết đều biết nhau và luôn chơi với nhau. Các trò chơi của chúng xuất hiện theo xu hướng được gọi là “mùa”, ví dụ như “mùa chơi bi”, “mùa chơi khăng”, “mùa đánh đáo”,….. Có rất nhiều trò chơi dân gian mà ngày nay nhiều người cũng đã quên. Trò chơi kết nối đám trẻ, và trở thành mối quan tâm lớn nhất của chúng.

Có thể nói cuộc sống với những đứa trẻ ở nông thôn thời lúc này vô cùng hấp dẫn, chúng bị thu hút bởi cuộc sống như thế. Ngoài các trò chơi thì chúng sẽ tham gia các hoạt động khác như tắm ao, tắm sông, thả diều, bắt cá, bắt chạch lươn, câu nhái, đánh châu chấu,….Những đứa trẻ trong làng dành hầu hết thời gian để chơi ở ngoài đường vì chúng chỉ phải đi học một buổi trong ngày. Việc học không nặng nề nhưng với trẻ con ngày nay, cũng chẳng có mấy đứa trẻ có điều kiện đọc sách, truyện.

Một đời sống như vậy đương nhiên là tích cực và đầy hoài niệm với những người đã sống qua một giai đoạn như thế. Nhiều người người lớn nhìn vào trẻ con bây giờ mà không khỏi thở dài cảm thấy đáng thương. Những đứa trẻ ở thời đại này không còn biết đến một tuổi thơ đầy màu sắc và trong trẻo như xưa nữa. Nhưng những đứa trẻ thời xưa cũng có một điều thiệt thòi là chúng có quá ít thông tin, tất cả đời sống tinh thần chỉ được hình thành từ các hoạt động văn hoá làng xã.

Với điều kiện như thế thì giác quan của chúng được sử dụng tối đa, các trải nghiệm của giác quan phong phú gấp hàng trăm lần mà một đứa trẻ bây giờ có thế có. Nhưng lại không có các câu chuyện, chúng ít khi được phiêu lưu vào các câu chuyện trong trí tưởng tượng của mình.

Với trẻ con thì nhu cầu tưởng tượng và nhu cầu trải nghiệm giác quan đều thiết như nhau, hỗ trợ nhau để hình thành nên thế giới tinh thần của một đứa trẻ. Sự tưởng tượng có thể đến từ các câu chuyện chúng đọc, hay chuyện dân gian được kể. Vào thời đó cũng không có nhiều sách, báo, chuyện cho những đứa trẻ ở nông thôn. Vì thế mà khi một đứa trẻ biết kể chuyện, biết tạo ra các câu chuyện nho nhỏ dù là sơ sài cũng sẽ thu hút được sự quan tâm của những đứa khác và nó dễ dàng trở thành một “thủ lĩnh”.

Khi có một đứa biết cách dẫn dắt câu chuyện thì nó sẽ thu hút một số đứa khác tạo thành một nhóm chơi gắn bó và “trung thành” với nhau. Lúc này điện không thực sự quan trọng, vì cũng chẳng có mấy thiết bị điện trong các gia đình. Quạt điện là thiết bị phổ biến mà hầu hết các gia đình đều có, sau đó đến TV thì cả làng chỉ có vài cái. Nên tất cả những gì hấp dẫn trẻ con là ở ngoài đường làng.

Ngôi nha có ma

Ở những vùng nông thôn miền Bắc mỗi một làng thường có 3 công trình công cộng cơ bản là Đình, Chùa và Điế.m. Thường thì trẻ con chỉ hay chơi ở Điế.m, đó là nơi mọi người sinh hoạt nhiều nhất, và nhất là đám trẻ con. Điế.m là nơi sinh hoạt cộng đồng của làng quê, chức năng tương đương như Nhà Văn Hoá ngày nay. Kiến trúc của Nhà Điếm thường là nhà gỗ, mái ngói và có một đặc trưng là xung quanh ba mặt đều có cửa ra vào, cửa sổ thông ra hành lang, và mái nhà che hết cả hành lang.

Cả ngôi nhà chỉ là một căn phòng rộng duy nhất làm không gian sinh hoạt. Điế.m không phải lúc nào cũng mở, và trẻ con cũng không thích vào trong, nhưng ngoài hành lang lại là một khu vui chơi lý tưởng. Ba mặt hành lang của một ngôi nhà vuông, có mái che, ở phía trên hành lang có là mái với những thanh xà ngang để lũ trẻ có thể trèo lên trên giống như một nơi trú ẩn trên mái nhà, nên đây trở thành một địa điểm lý tưởng để đám trẻ trong làng tổ chức những trò chơi của chúng. Nhà Điế.m thường ở giữa làng và bao quanh là trục đường chính, các mặt đều có các ngôi nhà của người làng nên lúc nào cũng thoáng và đông người qua lại.

Câu chuyện xảy ra ở một nhóm có bốn đứa trẻ là Dương, Khuê, Tùng, và Chuyền, trong đó Dương 12 tuổi, còn lại ba đứa kia 11 tuổi. Vào một buổi sáng khi chúng đang chơi ngoài hành lang của Nhà Điế.m thì Dương nhòm qua khe cửa nhìn vào trong, đó là một căn phòng rộng với ba mặt đều có một cửa ra vào và ít nhất một cửa sổ, các khe hở nhỏ ở cánh cửa để ánh sáng rọi vào khoảng không rộng và tối om phía trong. Nhìn một lát Dương nói với mấy đứa rằng mình nhìn thấy Ma ở trong nhà. Ba đứa kia nghe thế có vẻ hơi sợ nhưng chúng cũng quyết định từng đứa một thay nhau nhòm qua khe cửa xem sự thể thế nào.

Đầu tiên là Khuê, đứa gan dạ nhất, nó nhìn vào trong rồi quay ra nói “Đúng là có Ma thật !”. Tiếp theo là Chuyền cũng nhìn vào một lát rồi nói “Có mấy con Ma đang đi lại !” . Cuối cùng là Tùng, lúc này sợ nhất nhưng nó cũng từ từ ghé mắt qua khe cửa. Không giống những đứa trước, các động tác của nó tỏ ra e dè rõ rệt. Nó nhìn vào, ngay sau khi nhìn thấy bên trong, thì nó khựng lại. Ba đứa còn lại thấy Tùng khom người, toàn thân bất động khác thường, một lát sau Dương vỗ vào người làm nó giật mình đứng thẳng, bộ dạng như vừa có gì đột ngột xảy ra, nó nói “Sao tao lại ở đây ? Tao ở đây bao giờ thế ?” Ba đứa kia nghe thế hơi hoang mang, nhưng chuyện hôm đó chỉ dừng lại ở đấy.

Toàn bộ chuyện này diễn ra trong vài phút, và để lại ấn tượng với mỗi đứa mỗi khác. Với Dương thì đó chỉ là một câu nói bột phát, nó có thể xuất phát từ cảm giác cuộc chơi của chúng đang bị nhàm chán. Bởi vì với những đứa trẻ ở làng quê đầu thập niên 90 thì chúng có hai thứ để tập trung vào, một là các trò chơi, hai là các câu chuyện. Trong hoàn cảnh các ấn phẩm văn hoá nghèo nàn thì Ma chính là chủ đề phổ biến nhất trong các câu chuyện của trẻ con. Với Dương, chẳng có gì thực sự xảy ra hết, cậu cũng không có ý đồ gì trong câu chuyện này, và sau khi chứng kiến phản ứng của ba người bạn thì cậu nghĩ “Chúng nó giả vờ hay thật !”. Dương hơi thất vọng về mấy đứa bạn, là một đứa trẻ thông minh, cậu cảm thấy rằng chúng đóng kịch, cậu cho rằng thái độ đàn đúm như vậy là trái ngược với sự thông minh.

Với Khuê, có lẽ cậu ta thực sự nhìn thấy cái gì đó mà cậu ta tưởng là Ma, những tia sáng, độ sâu của căn phòng và đồ vật có thể làm cho cậu nhìn nhầm. Còn Chuyền thì sao, tại sao lại có chuyện “Những con Ma đang đi lại”, với Dương cậu nghĩ điều này là bịa đặt, vì thế cậu đánh giá đây là sự chiều ý của những người bạn, cũng chính là lý do cậu cảm thấy thất vọng với chúng. Cuối cùng là phản ứng của Tùng, nó chỉ nhòm vào rồi làm như đột nhiên lơ ngơ, với cách biểu lộ như vậy thì cả ba đứa kia chỉ hiểu là nó không quan tâm lắm, hoặc không tin câu chuyện, và trẻ con thường nói bất cứ gì khi chúng muốn từ chối tham gia câu chuyện của đám bạn.

Cũng như tất cả các trò chơi của trẻ con, sau khi chơi xong, chúng sẽ nhanh chóng quên đi. Nhưng có một chuyện kỳ lạ là sau đó bốn đứa trẻ này chơi với nhau nhiều hơn, tất nhiên thì với trẻ con gặp nhau nhiều hơn có nghĩa là thân thiết hơn. Câu chuyện hôm đó xảy ra chỉ đơn giản là tình cờ chúng cùng ở đó, nhưng sau khi câu chuyện nhỏ xảy ra thì chúng thường xuyên chơi với nhau. Bốn đứa trẻ dần thân thiết hơn, chúng cùng nhau làm cần câu cá, nuôi ốc bươu vàng, chơi nặn đất,… và đặc biệt có một sự thay đổi trong những giờ chơi của chúng, điều này chưa có trước đây, và cũng không có ở những đứa trẻ khác, đó là chúng có những lúc ngồi ở đâu đó và kể chuyện với nhau.

Ban đầu những câu chuyện chúng kể vu vơ, không có một chủ đề cụ thể nào, và cả bốn đứa cùng đóng góp câu chuyện của mình, nhưng càng dần thì chủ đề về những con Ma càng xuất hiện nhiều hơn trong câu chuyện của chúng. Dương dần trở thành người dẫn dắt các câu chuyện. Dương không cố tình trở thành đứa dẫn dắt, cậu chỉ đơn giản là muốn đóng góp cho sự thú vị và niềm vui với cả nhóm. Điều không ngờ đến là các câu chuyện mà cậu kể dần hấp dẫn hơn, những đứa trẻ khác cũng bắt đầu quan tâm đến sự đặc biệt của nhóm bốn đứa này và bàn tán về các câu chuyện chúng kể với nhau.

Một cách tự nhiên Dương dần được trẻ con trong làng nhắc đến nhiều hơn. Với cậu thì nhóm bốn người và các câu chuyện chỉ đơn giản là một cuộc chơi, nơi trí tưởng tượng được chia sẻ để tạo niềm vui, nhưng theo cách kịch tính và phấn khích. Điều Dương không ngờ là với trẻ con trong làng cậu dần trở thành một đứa khác thường, kiểm soát và thao túng sự quan tâm của chúng.

cuộc đời đứa trẻ
Sự kiện nhỏ có thể thay đổi cuộc đời một con người

Bốn đứa trẻ vẫn chơi với nhau, chúng lớn dần. Hai năm sau một việc xảy ra mà mãi sau này Dương biết nó có liên quan đến câu chuyện hôm đó, khi cả bốn đứa lần lượt nhìn vào khe cửa…

Lúc bấy giờ dân quanh khu vực sinh ra thói xấu là chơi số đề, ai cũng chơi. Có lẽ đây là phong trào đầu tiên sinh ra từ ảnh hưởng của tiến trình hội nhập những năm 90. Dân vùng nông thôn lần đầu tiên dám khao khát có của ăn của để, mơ ước đến làm giàu. Người trong làng hầu như ai cũng chơi ít chơi nhiều, họ bàn tán, tính toán xem hôm nay chơi số nào, họ thảo luận về các giấc mơ để gợi ý một con số,…Và đến giờ TV báo sổ số là lúc quyết định không khí của cả làng tối hôm đó. Thỉnh thoảng có những ngày mà tiếng reo hò vang ầm khắp các con đường trong làng. Chuyện này liên quan gì đến bốn đứa trẻ ?

“Nổi Trạng”

Trong văn hoá tín ngưỡng dân gian mỗi khi địa phương có biến cố gì chẳng hạn như nạn côn trùng, cơn nước nổi, hạn hán, dịch bệnh,…khi người ta không có biện pháp thì họ cần đến một người đặc biệt, được cho rằng có khả năng kết nối với thần linh, vị thần bảo hộ của vùng đó để đưa ra những lời hướng dẫn. Trong tín ngưỡng gọi người này là Đồng tử, hoặc Trạng. Nạn số đề lúc đó cũng làm phát sinh một hiện tượng đặc biệt gọi là “Nổi Trạng”. Đó thường là những đứa trẻ đó có một vài dấu hiệu đặc biệt hoặc tự nhiên có những hành vi bất thường, khó hiểu.

Trạng sẽ nói ra các con số, hoặc các dấu hiệu mà người ta nghĩ liên quan đến số đề. Tùng là đứa bỗng nhiên có dấu hiệu “nổi Trạng” như vậy, cậu ta đột nhiên có những hành vi bất thường, nói năng lảm nhảm,…người xung quanh nghi ngờ nên đến hỏi thăm về số đề, Tùng cũng bắt đầu đưa ra các thông tin liên quan, có khi mơ hồ, cũng có khi chi tiết về các con số. Cuối cùng thì cả làng tin rằng cậu là một hiện tượng “nổi Trạng”.

Với phong trào chơi số đề như trên thì nhanh chóng cả làng đều đến nhà đề nhờ cậu “phán” những con số. Chúng ta đều biết rằng chơi số đề là một bài toán xác suất, một đầu số bất kỳ thì tỷ lệ trúng là 10%, 10 người hỏi nếu bạn cho 1 đầu số khác nhau thì tất yếu hôm đó sẽ có một người trúng. Có thể nói đây là thời điểm người ta chứng kiến sự điên rồ của con người đến từ khát khao đổi đời. Một đứa trẻ như Tùng bỗng chốc nhận được sự kỳ vọng, tán tụng, tung hô và đương nhiên cũng nhiều lợi ích vật chất từ dân làng.

Các diễn biến tiếp theo cũng không có gì bất thường, việc chơi số đề rồi cũng đến lúc thoái trào khi tất cả nhận ra đó chỉ là một cái bẫy đánh vào lòng tham của họ. Đa phần dân làng quay trở lại nếp sống và lao động lành mạnh. Tùng cũng không còn “nổi Trạng” nữa.

Nhà Tùng là một trong vài gia đình khá giả của làng, thời đó hễ nhà ai mà có người đi nước ngoài về nghiễm nhiên đó sẽ là gia đình khá giả nhất. Bố Tùng là một trong 4 người trong làng đi lao động ở Đức nên sinh hoạt của gia đình cậu rất dễ chịu. Mấy năm sau Tùng gặp một biến cố là bố cậu mất, đây là một cú sốc với cả gia đình cậu, mọi thứ bắt đầu tệ dần. Ở một tình trạng xã hội hạn hẹp, khan hiếm cơ hội và vật chất, sự sợ hãi đói nghèo luôn thường trực thì một biến cố như vậy làm cho Tùng rơi vào mất phương hướng trong những năm tiếp theo. Cậu vẫn đi học, vào đại học Công nghiệp Hà Nội, tốt nghiệp và về quê. Vài năm tiếp theo cậu chỉ loanh quanh ở nhà chứ không đi làm. Có vẻ cậu đang trưởng thành bình thường, nhưng quan sát kỹ thì thấy rằng cậu có một trạng thái tinh thần tiêu cực không thể phục hồi, càng lúc càng trầm trọng hơn. Cậu luôn dựa dẫm vào mẹ suốt những năm sau này.

Kể từ lúc bố mất mọi thứ với Tùng đều cực đoan, âm thầm nhưng tàn phá toàn bộ đời sống, cậu không nhận được sự trợ giúp tâm lý từ mọi người. Người trong làng thường hay so sánh Tùng với anh Liêm cũng ở trong làng, là một người tâm thần có trạng thái rất thất thường, có lúc tỉnh táo, nhưng thỉnh thoảng phải vào viện tâm thần điều trị. Người ta bảo rằng anh Liêm bị điên, nhưng biết lao động, còn lấy vợ, sinh 3 đứa con, có trai, có gái đều khỏe mạnh, thông minh. Liêm vẫn có một gia đình đúng nghĩa. Còn Tùng có vẻ như không có vấn đề gì, tốt nghiệp đại học nhưng lại không thể sống như một người trưởng thành, không phá phách nhưng là một gánh nặng cho cả gia đình.

Bây giờ bốn người đó đều ở tuổi 40, Khuê sau khi đi bộ đội, về làm kinh tế và hiện tại làm Trưởng thôn, Truyền cũng học đại học sau khi đi bộ đội, giờ là kỹ sư, Tùng hiện tại chưa cưới vợ, không làm việc và sống phụ thuộc, trạng thái đờ đẫn, ý trí như một đứa trẻ 13 tuổi với thái độ sống cực đoan. Dương từ đó có xu hướng tìm hiểu tâm lý con người, cậu có một quãng đường lớn lên với nhiều biến cố nội tâm, đó sẽ là những câu chuyện thú vị mà tôi sẽ kể vào một lúc khác.

Nếu coi câu chuyện về những con Ma sau khe cửa là khởi đầu thì câu chuyện này ảnh hưởng lớn nhất đến hai người là Dương và Tùng, nhưng theo hai hướng hoàn toàn trái ngược nhau. Dương bắt đầu có một niềm say mê và công việc liên quan đến tâm trí con người. Trong khi Tùng thì bị vùi dập trong các trạng thái tâm lý tiêu cực không lối thoát. Đến bây giờ thì Dương hiểu điều gì đã xảy ra và cậu cảm thấy có trách nhiệm với Tùng.

Hiện tại người làng nhìn Tùng như một người tệ hại hơn là nạn nhân, cậu sống dựa vào mẹ già, cậu tự sống bằng cách ăn trộm những thứ cậu cần từ dân làng. Dương có một mảnh đất vườn rộng ở rìa làng, quây lại, trồng nhiều cây ăn quả, có ao cá ở giữa, và thỉnh thoảng nuôi vài con vịt, gà, thỏ,…Với Tùng thì mảnh vườn của Dương là một địa điểm lý tưởng để cậu lấy những thứ mình cần cho cuộc sống, Dương biết điều đó, và coi nhu cầu của Tùng với khu vườn của mình là chính đáng.

Câu chuyện dưới góc nhìn của khoa học tâm trí như thế nào ?

Dương yêu cầu mọi người nhìn vào khe cửa và nói có Ma bên trong, cậu chỉ làm việc đó một cách bất giác, và coi đó là một trò đùa mà tất cả thống nhất là sẽ cùng chơi. Nhưng thái độ của cậu nghiêm túc, cậu diễn đạt như thể đó là sự thật và điều không ngờ là ba người còn lại tin những gì cậu nói. Nghĩa là Dương làm chủ tình huống này nên có thể nói hành động, thái độ và lời nói của cậu có tác dụng như một ám thị, cậu vô tình thực hiện tất cả một cách chính xác, ngắn gọn và hiệu quả.

Ngoài ra cần nói lại là không gian tối và sâu của một căn phòng rộng, ảnh sáng xuyên qua các khe cửa nhỏ, có thể kèm theo những tiếng động của chuột,…thì đây là một kích thích thị giác hiệu quả kết hợp với ám thị để tạo ra các biến loạn giác quan. Đứa đầu tiên nhìn theo đề nghị là Chuyền, nó nhìn qua khe cửa và nói “Đúng là có Ma”. Theo trình tự thì Chuyền là thụ cảm đầu tiên, trực tiếp chịu ảnh hưởng từ các ám thị đã phân tích ở trên.

Phản ứng của Chuyền không khẳng định được được thực sự cậu có nhìn thấy Ma một cách sống động hay không. Nhưng cần hiểu rằng bất cứ ai khi vào một tình huống ám thị như trên đều có thể đáp ứng dẫn đến hiện tượng biến loạn giác quan. Và một chi tiết cũng rất quan trọng ở đây là những đứa trẻ này đều 11 tuổi, là tuổi rất mẫn cảm với ám thị. Vì thế thì việc Chuyền nhìn thấy Ma có thể là thật sự cậu đã bị biến loạn thị giác, hoặc cũng có thể nó xảy ra nhưng không rõ ràng, các hình ảnh tranh tối, tranh sáng cùng với trí tưởng tượng có thể gây ra nhầm lẫn.

Tiếp theo là Khuê nhìn vào, cậu ngay lập tức nói “Có mấy con Ma đang đi lại!”. Đánh giá từ phản ứng cho thấy thực sự Khuê đã bị biến loạn giác quan rõ ràng, hình ảnh không còn mơ hồ như Chuyền, mà “đi lại” nghĩa là các hình ảnh rõ ràng. Từ góc độ ám thị thì Khuê chịu tác động mạnh mẽ hơn, Dương tạo ra ám thị, qua đến Chuyền là thì ám thị được tăng cường và Khuê sẽ chịu tác động mạnh hơn nhiều so với Chuyền.

Cuối cùng thì đến Tùng, có thể nói bất cứ ai, dù là người lớn mà ở trong một tình huống ám thị như thế này đều dễ dàng bị biến loạn giác quan bởi một loạt các nguyên tắc ám thị đã được hình thành. Trước hết là cơ chế “Chấp nhận gợi ý”, đây là cơ sở hình thành nên các hoạt động xã hội của loài người, cơ chế này làm cho mọi người có xu hướng chấp nhận các quy tắc của nhóm, một nhóm được coi là từ 4 người trở lên. Hiểu đơn giản là khi ba người đã chấp nhận một nhận thức thì người thứ tư sẽ chấp nhận nó.

Thứ hai là tính ám thị, một ám thị khéo léo sẽ làm xuất hiện tính nhạy cảm và sự đáp ứng, nhưng một khi ám thị này đã được tăng cường thì tính đáp ứng sẽ tăng lên rất mạnh sau mỗi lần được tăng cường. Có nghĩa là khi một niềm tin đã được thành lập thì con người sẽ bị mất khả năng phản biện, và họ sẽ bị lôi kéo ngay lập tức bởi một cảm xúc. Vậy trình tự là Dương ám thị – Chuyền chịu tác động nhẹ từ ám thị của Dương, tính cảm ứng với ám thị tuy mớ mơ hồ nhưng lại xác lập niềm tin với Khuê – Do đó Khuê đã suy yếu tính phản kháng, phản biện với ám thị – Đến Tùng thì khả năng phản kháng với ám thị đã hoàn toàn biến mất sau hai lần tăng cường trước đó.

Cả 3 người đều chờ đợi việc “nhìn thấy Ma”, do đó sẽ tạo ra hiện tượng thiên kiến mạnh mẽ ở Tùng, thiên kiến sẽ biến kỳ vọng của nhóm thành hiện thực với người còn lại. Như vậy chắc chắn Tùng là người chịu ảnh hưởng ám thị mạnh nhất, vì thế mà cậu ta lập tức xuất thần. Biểu hiện toàn thân bất động, đờ đẫn, đến khi bị vỗ vào người mới bừng tỉnh và hỏi “Sao tao lại ở đây ? Tao ra đây bao giờ thế ?” . Khi xuất thần con người sẽ cảm thấy thời gian bị bóp méo, ký ức bị gián đoạn, và thường quên hết những gì xảy ra, cảm giác bừng tỉnh và mất một lúc mới kết nối được thực tại.

Có thể nói Tùng thực sự có một trải nghiệm xuất thần mạnh mẽ, cậu không những nhìn thấy Ma, mà còn tự đưa mình vào trong khung cảnh đó nữa, việc này diễn ra trong một vài phút, nhưng đối với Tùng đó có thể là trải nghiệm mà cậu cảm thấy mình đã ở trong đó hàng chục phút, hàng giờ, thậm chí lâu hơn.

Trạng thái xuất thần não bộ sẽ sinh ra các chất hướng thần tự nhiên, làm cho trải nghiệm của con người chân thật và không bị thời gian thực giới hạn. Có những người dùng chất hướng thần DMT ( Di_Methyl_Tryptamine) trải qua vài giờ xuất thần khi tỉnh lại họ nói rằng đã sống hết một đời người, từ lúc sinh ra, học tập, lớn lên, chơi, kết bạn, lập gia đình, sinh sống, làm việc, đẻ con, già đi,…tất cả những gì một đời người trải qua thì người xuất thần trải nghiệm trong vài giờ với chất DMT. Do đó chúng ta không thể đánh giá được Tùng đã trải nghiệm những gì trong vài phút đó. Nhưng chắc chắn nó ảnh hưởng đến Tùng ngay cả khi cậu hoàn toàn không nhớ gì.

đứa trẻ với cuộc đời

Một điểm chúng ta nhận thấy là từ thời điểm đó cậu trở nên nhạy cảm với ám thị, có thể xuất thần sẽ thường xuyên xảy ra mà Tùng không ý thức được, kết quả là hoạt động ý thức ngày càng bị suy yếu. “Nổi Trạng” là một hiện tượng chịu tác động ám thị đến từ kỳ vọng của đám đông, đương nhiên Tùng thành một đối tượng hoàn toàn phù hợp. Đoạn đời tiếp theo của Tùng là kết quả của việc ý thức bị suy yếu, các năng lực tự vệ, sinh tồn bị tổn thương, áp lực văn hoá và sinh học đè nặng sẽ đưa Tùng vào chuỗi dài các bế tắc không thể tự giải phóng.

Chỉ là một trò chơi trẻ con, nó có thể xảy ra với nhiều đứa trẻ nhưng kết quả như thế nào thì không phải do trò chơi quyết định mà chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ đặc tính Vô thức của đối tượng.

Chúng ta tự hỏi nếu không có câu chuyện đó thì cuộc đời của Tùng sẽ như thế nào?

Một câu chuyện được trích ra từ ghi chép của nhà thôi miên Dương Minh Tuấn.

Bạn có thể cũng quan tâm

2E13637A-D003-4367-BA29-C04ED8E5FD78

Một trò đùa làm thay đổi cuộc đời

chuyện chữa lành - ai đã tạo ra những con người như vậy

Ai đã tạo ra những con người như vậy?

Scroll to Top