3 điều cần thực hiện để Nhập định
Khi bạn có thể “Quan sát hơi thở” một cách “Tự nhiên” và “Giản dị” thì đó là khi bạn đã Thiền định. Khoá học hướng dẫn Thiền chắc chắn thành công dựa trên giáo lý được trình bày rõ ràng minh bạch bằng phương pháp luận khoa học.
Người tập Thiền dễ dàng tìm thấy các hướng dẫn thực hành và đều nhận ra những hướng dẫn quen thuộc như : Quan sát hơi thở – Giản dị – Tự nhiên. Đây là ba yêu cầu mà bất cứ ai cũng nhận ra, và chúng ta chỉ cần dựa vào 3 yêu cầu này là có thể thực hành thành công.
Nhưng tại sao trên thực tế rất ít người thực sự biến thực hành Thiền Định thành một niềm vui, và quan trọng là thực hành có kết quả ? Là vì khi bạn chưa hiểu 3 khái niệm trên thì đương nhiên bạn cũng không thể thực hiện được nó.
Quan sát hơi thở
1.Quan sát hơi thở là gì ?
2.Tại sao phải quan sát hơi thở ?
3.Làm thế nào để quan sát hơi thở ?
Quan sát hơi thở là gì ? Tại sao ?
Quan sát hơi thở là gì ? Ở đây phải hiểu khái niệm quan sát. Hãy chú ý điều gì xảy ra khi bạn quan sát ? Khi bạn quan sát hơi thở của chính mình thì bạn không thể thực hiện giống như khi bạn quan sát cốc trà trước mặt bạn. Nhưng bạn phải làm được như vậy đó, nghĩa là bạn là người quan sát, và cốc trà là đối tượng bị quan sát, bạn không phải là cốc trà, bạn không tác động hay can thiệp và nó. Cốc trà và bạn là hai đối tượng khác nhau.
Hơi thở có đặc tính là nó diễn ra tự động, nhưng ngay khi chúng ta chú ý đến nó thì lập tức chúng ta can thiệp vào nó, và vì thế mà chúng ta nhận hơi thở là một phần của mình. Quan sát là nhận thức được nó, nhận thức được cảm giác do nó gây ra nhưng lại tuyệt nhiên không một mảy may nhận nó là mình. Điều này nói thì có thể hiểu nhưng nếu như không được chỉ điểm trực tiếp và khéo léo thì khó có thể làm được.
Quan sát hơi thở để làm gì ? Bạn đang làm theo một hướng dẫn nhưng bạn có hiểu tại sao phải làm như vậy ? Rất khó để bạn làm được nếu bạn không hiểu ! Khi bạn quan sát hơi thở thì bạn sẽ coi hơi thở là một đối tượng ngoài cái Ta, đây chính là một kỹ thuật gọi là Phân ly. Khi tâm trí đặt vào một đối tượng thì nó tự đồng hoá với đối tượng đó, gọi là sự xuất thần.
Vậy khi đó nếu là một đối tượng ngoài cái Ta thì tâm trí sẽ tự suy yếu và biến mất, đây là điều bạn cần để Thiền định thành công. Tại sao đối tượng không phải là cốc trà mà lại là hơi thở ? Nếu đối tượng bên ngoài như cốc trà thì khi bạn quan sát nó, bạn rất khó đặt nhận thức vào nó, bởi vì bạn không phát sinh cảm giác về cốc trà.
Còn khi đối tượng quan sát là hơi thở thì bạn có thể phát sinh cảm giác, và từ đó mới sinh ra nhận thức, khi bạn nhận thức hoàn toàn về hơi thở thì Ý thức của bạn suy yếu và biến mất.
Đây chính là tiền đề của Định. Nhưng một khi bạn can thiệp vào hơi thở, bạn không thể tách hơi thở khỏi bạn nữa, và khi đó bạn cũng không thể thoát khỏi tâm trí của mình. Vậy nên khi quan sát hơi thở phải tách hơi thở khỏi cái Ta để Hơi thở phải trở thành một đối tượng của sự Phân ly.
Làm thế nào để quan sát hơi thở ?
Như trên nói thì quan sát hơi thở là một công phu đến từ việc đầu tiên là phải hiểu thế nào là Quan sát và tại sao phải Quan sát ? Ngay cả khi bạn hiểu hai điều trên rồi thì bạn cũng chưa thể nào thực sự Quan sát hơi thở.
Chúng ta cần quan sát hơi thở để nhận thức hoàn toàn về nó, nhận thức hoàn toàn có nghĩa là cái Ý thức (hay cái Ta) biến mất trong sự nhận thức về hơi thở. Vậy thì khi nhận thức về hơi thở tăng dần thì Ý thức suy yếu dần, khi nhận thức hoàn toàn thì cái Ý thức biến mất. Đây chính là sự biết mất cái Ta trong sự Nhận thức về đối tượng Hơi thở – Cũng là lúc sự nhập Định đã sẵn sàng
Nhưng không thể dùng chính Ý thức để tự làm suy yếu chính nó. Vậy nên cần phải thực hành Quan sát hơi thở với sự Giản dị và Tự nhiên
Giản dị
Bạn thích Thiền, bạn muốn Thiền, bạn Thiền để giảm áp lực, để cân bằng và chữa lành, để diệt trừ khổ đau, để giác ngộ, hôm nay bạn sẽ Thiền 30 phút, … các suy nghĩ đó và vô vàn các suy nghĩ khác nữa không bao giờ chấm dứt một khi bạn nghĩ về Thiền, khi bạn ngồi xuống để thực hành Thiền. Bạn nghĩ đó là những mục tiêu, lý tưởng hay sở nguyện tốt đẹp…Nhưng bạn có nhận ra chúng đều là sản phẩm của Ý thức, cái mà bạn đang muốn thoát khỏi ! Một khi bạn còn bất cứ suy nghĩ nào thì Ý thức sẽ không thể biến mất.
Giản dị là gì ? Hãy lần lượt trả lời các câu hỏi sau : Bạn đang làm gì ? Tôi ngồi Thiền ? Là làm gì ? Tôi đang quan sát hơi thở ! Để làm gì ? Để nhập Định ? Để làm gì nữa ? Để thư thái, để cân bằng, để an nhiên, để bớt khổ, để giác ngộ, để luyện Khí, để tĩnh Tâm, …… Vậy là bạn đâu có thực hành một cách Giản dị !
Bạn ngồi Thiền để làm gì ? Tôi chỉ ngồi Thiền ! Có nghĩa là làm gì ? Tôi quan sát hơi thở ! Để làm gì ? Tôi chỉ quan sát hơi thở thôi ! Nhưng ý tôi là quan sát hơi thở dẫn đến điều gì, để đạt được điều gì ? Tôi chỉ quan sát hơi thở ! Quan sát được thì sao ? Tôi quan sát hơi thở, nếu thành công thì tôi đã quan sát hơi thở ! …. Đây chính là ý nghĩa của Giản dị, đó là thực hành mà không kèm theo bất cứ kỳ vọng nào.
Bạn đã Giản dị chưa ?
Người ta không thể Giản dị ngay cả khi đã hiểu về Giản dị. Vì sao lại thế, bởi cơ thể sẽ làm bạn mệt mỏi, đau nhức, cố gắng và nỗ lực sẽ đeo bám tâm trí của bạn. Vì thế sự Giản dị chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở là sự Tự nhiên
Tự nhiên
Tự nhiên rất quen thuộc, nhưng lại chưa từng được hiểu. Tự nhiên là một khái niệm có nội hàm sâu sắc nhất mà bạn có thể mường tượng. Mọi sự cố gắng để phát triển cá nhân của bạn đều sẽ đến lúc phải được giải quyết bằng sự thâm nhập vào ý nghĩa “Thế nào là Tự nhiên ?”
Tự nhiên tạm hiểu là khi thực hiện một việc mà không kèm theo ý trí và nỗ lực. Bạn làm một việc tự nhiên là như thế nào ? Là làm một việc bởi vì nó xảy đến, là một việc xảy đến bởi vì bạn đang làm nó, là bạn đang làm việc đó bởi vì bạn đang gặp việc đó, là làm một việc mà chẳng rõ ràng mình có làm việc đó hay không, là làm một việc mà không coi là mình đang làm việc đó,… dù có nói nhiều về sự Tự nhiên cũng không thể hết ý nghĩa.
Bây giờ bạn hãy xem xét mình đã ngồi Thiền một cách tự nhiên chưa, quan sát hơi thở tự một cách nhiên chưa ?
Hôm nay thực hành Thiền bạn nhớ hôm trước cũng thực hành Thiền, đó là không còn tự nhiên. Khi ngồi bạn thấy thân thể căng tức, đau mỏi, đó là không còn tự nhiên. Khi ngồi bạn biết mình đã ngồi bao lâu, đó là không còn tự nhiên. Khi ngồi bạn định bụng sẽ ngồi một khoảng thời gian nhất định, đó là không còn tự nhiên. Khi ngồi bạn hạ quyết tâm kiên trì thực hành thành công, đó là không còn tự nhiên. Khi ngồi bạn muốn đạt tới điều này, điều kia, đó là không còn tự nhiên…..
Chúng ta chẳng thể làm một việc tự nhiên bởi vì chúng ta phải dùng đến Ý thức để làm việc đó. Hành động sẽ dẫn đến Ý thức, Ý thức sẽ kéo theo Tư tưởng, Tư tưởng thì sẽ mất đi tính Tự nhiên. Vậy nên phải giảm thiểu ý thức về việc mình làm mới có thể dần dần đạt tới làm việc đó một cách Tự nhiên. Đây chính là tiền đề của Nhập Định.
Làm thế nào để giảm thiểu ý thức về việc bạn đang làm ?
Câu hỏi cuối cùng là làm thế nào để giảm thiểu ý thức về việc bạn đang làm ? Đó là chia nhỏ việc đó ra, để cho Ý thức không phản hồi. Khi bạn có thể “Quan sát hơi thở” một cách “Tự nhiên” và “Giản dị” thì đó là khi bạn đã Thiền định.